RSS Feed for Tăng trưởng xanh trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 19:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tăng trưởng xanh trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam

 - Trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, việc lựa chọn và thực hiện tăng trưởng xanh cũng đang trở thành con đường tất yếu trong định hướng phát triển bền vững mà Ðảng và Nhà nước ta đã xác định. Bài viết dưới đây của PGS, TS Phạm Minh Chính sẽ góp phần làm rõ thêm một số nội dung xung quanh chủ đề này.

>> Phát triển năng lượng xanh cho mùa xuân vĩnh hằng
>> "An ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu"
>> Hoàn chỉnh dự thảo Chiến lược sử dụng công nghệ sạch
>>  Phê duyệt kết quả đàm phán dự án "Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp"

PGS, TS PHẠM MINH CHÍNH

Mô hình tăng trưởng hướng tới sự phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế thừa nhận và đang phấn đấu thực hiện là tăng trưởng xanh. Ðây là khái niệm mới nên mặc dù hầu hết các nước đều thống nhất với nhau về mặt ý chí, nhưng sự nhận thức, cách hiểu và cách áp dụng vẫn đang trong quá trình định hình.

Xu hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay

Kinh tế xanh được chứng minh là có hiệu quả về mặt dài hạn hơn hẳn kinh tế nâu (nền kinh tế khai thác và sử dụng nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại cho môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu và đe dọa cuộc sống con người).

Theo báo cáo Hướng tới nền kinh tế xanh của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP năm 2011, với kịch bản đầu tư xanh, có số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (tương đương 1.300 tỷ USD) thì các mô hình kinh tế vĩ mô tính toán và đều chỉ ra rằng xét trong dài hạn sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu trên cơ sở duy trì và phục hồi được các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn.

Hiện các nước trên thế giới, nhất là khu vực Tây Âu và khu vực Ðông Á đã và đang đầu tư mạnh vào chiến lược tăng trưởng xanh. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong quá trình đưa ra các gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng kinh tế mấy năm trước đều dành ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh (cơ cấu của Trung Quốc là 35%, của Hàn Quốc lên đến 80%). Ðầu tư tập trung cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh...

Trong quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, chủ đề tăng trưởng xanh thu hút được sự quan tâm trong các chương trình nghị sự song phương và đa phương. Tại khu vực châu Á, Diễn đàn khí hậu Ðông Á được tổ chức tại Hàn Quốc tháng 5-2009 đã thông qua Sáng kiến Seoul về tăng trưởng xanh Ðông Á. Tại khu vực Ðông - Nam Á, tháng 7-2010, ASEAN ra tuyên bố chung nhấn mạnh đến hình mẫu phát triển Giảm carbon - Tăng trưởng xanh.

Tiếp đó, tại Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) tháng 10-2010, Thủ tướng Việt Nam đã chính thức đề xuất sáng kiến hợp tác Á - Âu về tăng trưởng xanh, đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên ASEM. Tháng 10-2011, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu về tăng trưởng xanh với chủ đề Cùng hành động hướng tới các nền kinh tế xanh được tổ chức tại Việt Nam để tìm các cơ chế hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm phát triển xanh giữa các nước.

Tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11-2011, Tuyên bố chung được thông qua, trong đó xác định APEC cần phải giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế của khu vực bằng cách hướng đến nền kinh tế xanh.

Ở cấp độ toàn cầu, Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu lần thứ nhất diễn ra tại Ðan Mạch tháng 10-2011 với chủ đề thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua cơ chế hợp tác công - tư giữa các chính phủ với khối doanh nghiệp; và Hội nghị của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) tháng 6-2012 tại Bra-xin đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của ba trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, và đã đưa ra một số cơ chế mới để phát triển bền vững và lộ trình để phát triển kinh tế xanh...

Rõ ràng, với một mức độ quan tâm cao thể hiện qua một loạt các hội nghị, diễn đàn ở các cấp độ quốc tế khác nhau được tổ chức trong những năm gần đây cho thấy xu hướng nhận thức chung của cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đều đồng thuận là phải thúc đẩy tăng trưởng xanh và áp dụng mô hình kinh tế xanh.

Kinh tế xanh được chứng minh là có hiệu quả về mặt dài hạn hơn hẳn kinh tế nâu (nền kinh tế khai thác và sử dụng nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại cho môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu và đe dọa cuộc sống con người).

Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam

Trong xu thế phát triển chung của thế giới hiện nay và trong tương lai, Việt Nam không thể và không nên là ngoại lệ trong định hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh. Kể từ khi thực hiện đường lối Ðổi mới và mở cửa với kinh tế thế giới (1986), chúng ta đã tiếp thu được nhiều tinh hoa tri thức quản lý kinh tế của thế giới và áp dụng thành công trong điều kiện hoàn cảnh Việt Nam;  trong đó ý nghĩa nhất là đã xây dựng và vận hành được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (đến nay đã có 37 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường).

Trong tiến trình hội nhập với thế giới của Việt Nam, việc áp dụng mô hình kinh tế xanh và thúc đẩy tăng trưởng xanh có nhiều điểm phù hợp và thuận lợi:

(1) Nước ta nằm ở khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới (Ðông - Nam Á), hướng ra Biển Ðông - một trong những tuyến đường hàng hải sôi động nhất trên thế giới; gần với khu vực Ðông Bắc Á đang là tiên phong trong tăng trưởng xanh của thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc).

(2) Nền chính trị ổn định, xã hội thân thiện, dân số đông. Riêng yếu tố chính trị ổn định đã là một lợi thế so sánh của ta đối với các nước trong khu vực.

(3) Vị trí địa hình tự nhiên và tính đa dạng sinh học cao mở ra cơ hội phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn, đồng thời phát triển và sử dụng các loại năng lượng tái tạo.

(4) Cảnh quan thiên nhiên phong phú với nhiều khu vực được công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới, truyền thống văn hóa lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc mở ra cơ hội để phát triển du lịch giải trí và xây dựng một nền công nghiệp văn hóa.

(5) Quá trình hội nhập thành công của đất nước trong những năm qua cũng tạo ra nội lực để thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế; mặt khác, chúng ta đi sau các nước trong việc tiếp cận nền kinh tế xanh nên có thể học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các nước đã thành công; đồng thời có được sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu phát triển xây dựng mô hình.

(6) Trong khu vực FDI, hầu hết các tập đoàn nổi tiếng thế giới về công nghệ cao đều đã vào Việt Nam. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp hơn nữa thì các tập đoàn này sẽ đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực khoa học công nghệ của đất nước và kết nối với mạng sản xuất xanh toàn cầu.

Trong xu thế phát triển chung của thế giới hiện nay và trong tương lai, Việt Nam không thể và không nên là ngoại lệ trong định hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh. 

Thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam không chỉ phù hợp trong tiến trình hội nhập hiện nay, mà quan trọng nhất là nó xuất phát từ nội tại nền kinh tế nước ta đòi hỏi phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đó là: chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu, hiệu quả thấp; sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội chưa thật bền vững; phát triển kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn và khai thác tài nguyên, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường; tình hình an ninh lương thực, an sinh xã hội, dịch bệnh diễn biến phức tạp trước ảnh hưởng của  biến  đổi  khí  hậu...

Ðứng trước những yêu cầu cấp bách từ nội tại nền kinh tế, mô hình tăng trưởng hiện tại của đất nước cần phải có sự điều chỉnh, phải tìm kiếm mô hình hoặc một phương thức phát triển mới. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia phát triển đi sau, do vậy để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, văn minh và phát triển bền vững thì cần phải hướng tới một nền kinh tế xanh.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được thông qua tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược... Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.

Tiếp đó, Kết luận Hội nghị T.Ư3 khóa XI khẳng định: Ðổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Như vậy, những định hướng tăng trưởng, phát triển mà Ðảng ta lựa chọn trùng khớp với những tiêu chí của tăng trưởng xanh và mô hình kinh tế xanh mà thế giới đang tiến hành.

Từ các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Ðảng, Chính phủ đã ban hành ba văn bản quan trọng có tính chất chiến lược: Quyết định số 432/QÐ-TTg ngày 12-4-2012 phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1393/QÐ-TTg ngày 25-9-2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050; và Quyết định số 339/QÐ-TTg ngày 19-2-2013 phê duyệt Ðề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Nội dung ba văn bản này hầu như đã bao quát hết nội hàm, ý nghĩa, mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, giải pháp, cách thức thực hiện..., là cơ sở pháp lý thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Quá trình thực hiện nên diễn ra một cách hài hòa và hợp lý, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh trong từng giai đoạn phát triển của Việt Nam, nghĩa là phải điều chỉnh dần dần (những gì đang có vẫn phải phát huy), nhằm tránh gặp phải những vấn đề xã hội do sự chuyển đổi này gây ra; để nền kinh tế truyền thống trở nên thân thiện môi trường hơn, giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững (như tài nguyên hữu hạn) và tăng dần các yếu tố bền vững (dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống, con người...) cho sự phát triển.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay, chúng ta cần lưu ý sáu vấn đề sau:

Thứ nhất, cần tăng cường nhận thức sâu sắc hơn trong các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về tăng trưởng xanh trong xu thế hội nhập; đồng thời có quan điểm sâu sắc về sự định vị của Việt Nam trong nền kinh tế xanh toàn cầu với những lợi thế chiến lược sẵn có và nhất định của Việt Nam.

Thứ hai, mô hình phát triển và cơ cấu ngành nghề nào phù hợp với nền kinh tế xanh trong điều kiện phát triển của Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, học tập cách thức tiến hành của các quốc gia đã thực hiện trước để từ đó có bước đi và cách tiến hành phù hợp.

Thứ ba, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính cũng như kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế cho các khu vực kinh tế xanh (hiện nay ưu tiên của các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc và nguồn vốn ODA của các nước phát triển đang có sự chuyển dịch vào lĩnh vực này).

Thứ tư, cần tiếp tục mở rộng, phát triển các ý tưởng và tham gia tích cực vào các hoạt động của các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh.

Thứ năm, tập trung tiếp cận sớm những kiến thức xanh và công nghệ sạch của cộng đồng khoa học thế giới. Có kế hoạch đào tạo ở nước ngoài đối với các cán bộ trong bộ máy quản lý kinh tế về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Thứ sáu, cần tổng kết mức độ đầu tư cho phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam thời gian qua còn thiếu hụt bao nhiêu để tiếp tục bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế như tính toán của Chương trình môi trường Liên hợp quốc.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Lý Quang Diệu nói về Trung Quốc bằng giọng khác
Ý đồ của Trung Quốc ‘đổ tiền’ vào Campuchia là gì?
Vụ Philippines kiện Trung Quốc: Đến lúc điều chỉnh quan điểm?
Nữ tổng thống Hàn Quốc trước thách thức Triều Tiên
Có tàu khu trục tàng hình, Trung Quốc 'đảm bảo chiến thắng'?
Cuộc chiến tranh lạnh trên không gian của các nước lớn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động